Tổng hợp các mô hình giá quan trọng nhất trong Forex
Bởi admin - Đăng ngày: 11/09/2022 - Cập Nhật: 29/09/2022Mô hình giá là một trong những công cụ quan trọng giúp trader xác định xu hướng tiếp theo của thị trường, tìm kiếm các điểm vào lệnh tiềm năng, đồng thời phản ánh diễn biến tâm lý của phe mua và phe bán. Vậy cụ thể, trong forex có các mô hình giá nào và mô hình nào là quan trọng nhất. Hãy cùng Soria For Congress tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Nội dung
Mô hình giá là gì?
Mô hình giá là tập hợp các chuyển động giá trong 1 khoảng thời gian cụ thể mà khi nối các điểm giá lại với nhau sẽ tạo ra các hình dạng đặc biệt như 2 đỉnh, 2 đáy, vai đầu vai, cốc tay cầm, tam giác,… Mỗi mô hình sẽ cung cấp tín hiệu khác nhau có thể tiếp diễn xu hướng hoặc đảo chiều.
Mô hình giá được sử dụng rất nhiều trong phân tích kỹ thuật và được rất nhiều trader theo trường phái price action ưa chuộng. Dựa trên mẫu hình giá, trader sẽ nhận định được sức mạnh của phe mua và phe bán trên thị trường, dự đoán hành động giá tiếp theo và tìm kiếm các cơ hội giao dịch tiềm năng.
Vai trò của mô hình giá trong PTKT
Có nhiều trader cho rằng, việc xác định mô hình giá mang tính chủ quan nên sẽ không đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trên thực tế đã có rất nhiều nhà đầu tư sử dụng mô hình giá như một vũ khí giao dịch lợi hại và gặt hái được rất nhiều thành công. Sau đây là một số ý nghĩa quan trọng của mô hình giá:
- Cung cấp toàn cảnh về thị trường
Các mô hình giá sẽ cho thấy bức tranh tổng quan về tâm lý của các nhà giao dịch trên thị trường và xác định phe nào là phe chiến thắng. Từ đó, dự đoán thị trường sẽ tăng hay giảm tiếp theo. Sau đó, trader sẽ quyết định thực hiện lệnh theo tín hiệu từ mô hình giá hay vẫn phải tiếp tục chờ đợi cơ hội khác rõ ràng hơn.
- Cung cấp điểm vào lệnh, cắt lỗ, chốt lời tiềm năng
Khi sử dụng chỉ báo sẽ cung cấp điểm đảo chiều, tiếp diễn xu hướng trong một vùng giá. Cho nên rất khó để xác định điểm vào lệnh cụ thể. Nhưng với mô hình giá, trader chỉ cần đợi mô hình hoàn thành là có thể vào lệnh ngay tại điểm phá vỡ mô hình. Cắt lỗ, chốt lời cũng chính xác hơn rất nhiều so với các công cụ khác.
Các mô hình giá quan trọng trong forex
Hiện tại có rất nhiều mô hình giá được sử dụng trong phân tích kỹ thuật forex, mỗi mô hình sẽ có đặc điểm, ý nghĩa và tín hiệu cung cấp khác nhau. Dựa vào tín hiệu cung cấp, người ta chia mô hình giá thành 3 nhóm sau: mô hình giá đảo chiều, mô hình tiếp diễn và mô hình trung lập.
1. Các mô hình giá đảo chiều
Dưới đây là một số mô hình giá cung cấp tín hiệu đảo chiều xu hướng thường xuất hiện trên biểu đồ giá:
Mô hình 2 đỉnh
Mô hình 2 đỉnh là mô hình giá đảo chiều giảm thường xuất hiện cuối xu hướng tăng. Mô hình này gồm 2 đỉnh có chiều cao tương đương nhau, 1 đáy ở giữa, 1 đường viền cổ đi qua đáy trung tâm. Khi quan sát trên biểu đồ giá có hình dáng giống chữ M.
Mô hình hai đỉnh cho thấy phe mua không còn chiếm ưu thế và phe bán đang có chiều hướng mạnh lên. Khi giá breakout khỏi đường Neckline sẽ giảm mạnh, lúc này trader có thể vào lệnh Sell đón đầu xu hướng giảm.
Mô hình 2 đáy
Mô hình 2 đáy thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, cung cấp tín hiệu đảo chiều từ giảm sang tăng. Mô hình này gồm có 2 đáy có chiều cao bằng nhau, 1 đỉnh ở giữa 2 đáy, 1 đường viền cổ đi qua đỉnh của mô hình đóng vai trò như một đường kháng cự. Khi giá breakout khỏi đường Neckline sẽ tăng mạnh, trader có thể vào lệnh Buy.
Mô hình vai đầu vai
Mô hình vai đầu vai (Head And Shoulders) được coi là mô hình giá kinh điển thường xuyên được trader tìm kiếm trong các giao dịch đảo chiều. Mô hình này bao gồm hai loại: Vai đầu vai thuận, vai đầu vai nghịch.
- Mô hình vai đầu vai thuận: Xuất hiện ở cuối xu hướng tăng cung cấp tín hiệu đảo chiều giảm. Mô hình này có 3 đỉnh liên tiếp trong đó đỉnh ở giữa là cao nhất và 2 đỉnh bên cạnh cao bằng nhau. Đường thẳng đi qua hai đáy được gọi là đường neckline, nơi cung cấp tín hiệu để thực hiện các giao dịch đảo chiều từ tăng sang giảm.
- Mô hình vai đầu vai ngược: Xuất hiện ở cuối xu hướng giảm cung cấp tín hiệu đảo chiều giảm sang tăng. Mô hình này tạo bởi 3 đáy liên tiếp trong đó, đáy ở giữa sâu nhất, 2 đáy bên cạnh đó độ sâu tương đương nhau. Đường thẳng đi qua 2 đỉnh là đường neckline, đường tín hiệu để trader thực hiện các giao dịch đảo chiều từ giảm sang tăng.
Mô hình 3 đỉnh
Mô hình 3 đỉnh cũng là mô hình giá đảo chiều phổ biến thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng, cho thấy phe mua đã suy yếu và giá chuẩn bị đảo chiều sang giảm. Mô hình này gồm 3 đỉnh có chiều cao tương đương nhau, 2 đáy xen giữa 3 đỉnh và 1 đường Neckline đi qua 2 đáy của mô hình đóng vai trò là một đường hỗ trợ mạnh.
Khi giá phá vỡ đường Neckline, trader có thể vào lệnh Sell đón đầu xu hướng giảm mới.
Mô hình 3 đáy
Mô hình 3 đáy gồm 3 đáy liên tiếp có chiều cao gần bằng nhau, 2 đỉnh xen giữa 3 đáy và 1 đường viền cổ đi qua 2 đỉnh của mô hình đóng vai trò như một đường kháng cự mạnh. Mô hình ba đáy cung cấp tín hiệu đảo chiều từ giảm sang tăng. Khi giá phá vỡ đường viền cổ sẽ tăng mạnh mẽ, lúc này trader có thể tận dụng vào lệnh Buy.
Mô hình kim cương
Mô hình kim cương là mô hình giá đảo chiều từ tăng sang giảm hoặc từ giảm sang tăng. Nếu trước khi hình thành mô hình là xu hướng tăng sẽ cung cấp tín hiệu đảo chiều tăng sang giảm. Nếu trước đó là xu hướng giảm thì giá sẽ đảo chiều giảm sang tăng khi mô hình hoàn thành.
Mô hình kim cương được ghép lại từ 2 hình tam giác mở rộng và thu hẹp. Khi quan sát trên biểu đồ giá sẽ giống với hình thoi hoặc kim cương. Tín hiệu mà mẫu hình này cung cấp thường khá mạnh.
2. Mô hình giá tiếp diễn
Mô hình tiếp diễn thường xuất hiện tại giai đoạn điều chỉnh tăng/giảm trước khi tiếp tục di chuyển theo xu hướng ban đầu. Mô hình này cung cấp các điểm Buy/Sell thuận xu hướng khá tiềm năng. Cùng tìm hiểu về các mô hình này nhé!
Mô hình tam giác
Mô hình tam giác (Triangle Pattern) được tạo bởi 2 đường xu hướng – 1 đường đi qua các đỉnh và 1 đường đi qua các đáy, 2 đường xu hướng này hội tụ với nhau tại một điểm bên phải mô hình.
Mô hình tam giác được chia thành 3 loại là tam giác tăng, giảm và cân. Trong đó, mô hình tam giác tăng và tam giác giảm sẽ cung cấp tín hiệu tiếp diễn xu hướng. Còn mô hình tam giác cân xu hướng không rõ ràng, trader cần phải chờ đợi giá breakout.
Mô hình cờ đuôi nheo
Mô hình cờ đuôi nheo cũng là một mô hình tiếp diễn xu hướng, có thể xuất hiện trong cả xu hướng tăng hoặc giảm. Mô hình này gồm 2 phần là cột cờ (đoạn tăng/giảm giá thuận xu hướng) và phần lá cờ được tạo bởi 2 đường xu hướng hội tụ với nhau.
Mô hình cờ đuôi nheo cho thấy sư tạm nghỉ của đà tăng hoặc đà giảm, trước khi dịch chuyển theo xu hướng chính.
Mô hình chữ nhật
Mô hình chữ nhật là mô hình giá tiếp diễn thường xuất hiện trong giai đoạn củng cố của một xu hướng tăng hoặc giảm. Dựa vào tín hiệu cung cấp người ta chia mô hình chữ nhật thành 2 loại sau:
- Mô hình chữ nhật tăng xuất hiện thường xuất hiện trong một xu hướng tăng còn khá mạnh. Khi giá phá vỡ cạnh trên của mô hình sẽ tiếp tục tăng theo xu hướng chính.
- Mô hình chữ nhật giảm xuất hiện trong một xu hướng giảm mạnh. Khi giá phá vỡ cạnh dưới của mô hình sẽ tiếp tục giảm giá thuận theo xu hướng chính.
Mô hình cái cốc và tay cầm thuận
Mô hình cốc tay cầm thuận gồm 2 phần: phần cốc có hình dạng giống chữ U và phần tay cầm hơi lệch nhẹ xuống dưới. Mô hình này thường xuất hiện trong một xu hướng tăng, báo hiệu sự tiếp diễn xu hướng. Sau khi giá breakout khỏi phần tay cầm sẽ tăng mạnh, trader có thể tận dụng vào lệnh Buy thuận xu hướng.
Mô hình lá cờ
Mô hình lá cờ là một trong những mô hình giá tiếp diễn mạnh mẽ được nhiều trader ưa thích. Mô hình này được cấu tạo gồm 2 phần lá cờ và cán cờ. Cán cờ là xu hướng tăng hoặc giảm thẳng đứng. Lá cờ là đoạn điều chỉnh tạm nghỉ của xu hướng tăng hoặc giảm.
- Mô hình lá cờ xuất hiện trong xu hướng tăng cho tín hiệu tiếp diễn tăng.
- Mô hình lá cờ xuất hiện trong xu hướng giảm cho tín hiệu tiếp diễn giảm.
3. Mô hình lưỡng tính
Ngoài những mô hình có thể giúp trader dự đoán xu hướng tiếp theo của thị trường thì vẫn có những mô hình trung tính, trader phải chờ giá breakout khỏi mô hình thì mới biết được hành động giá sẽ tiếp diễn hay đảo chiều xu hướng. Điển hình là một số mẫu hình sau:
Mô hình cái nêm
Mô hình cái nêm được tạo thành bởi 2 đường xu hướng có chiều hướng tiếp cận gần nhau. Đây là mô hình giá tiếp diễn một mô hình giá lưỡng tính, có thể cung cấp tín hiệu giao dịch thuận xu hướng và cũng có thể cung cấp tín hiệu để đảo chiều. Mô hình nêm cũng có 2 loại đó là mô hình nêm giảm và mô hình nêm tăng. Cụ thể như sau:
- Mô hình nêm tăng có hai đường xu hướng cùng dốc lên và có chiều hướng hội tụ tại một điểm. Mô hình này có thể xuất hiện cả trong xu hướng tăng và giảm. Giá sau khi breakout khỏi mô hình sẽ có xu hướng giảm, trader có thể tận dụng vào lệnh Sell.
- Mô hình nêm giảm có hai đường xu hướng cùng dốc xuống và hội tụ tại một điểm. Mô hình này cũng xuất hiện trong cả xu hướng tăng, giảm cung cấp cả tín hiệu đảo chiều và tiếp diễn. Khi giá breakout khỏi mô hình sẽ có xu hướng tăng, trader có thể xem xét vào lệnh Buy.
Mô hình tam giác cân
Mô hình tam giác cân được cấu tạo bởi 2 đường xu hướng dốc lên và dốc xuống, cùng hướng tới hội tụ tại 1 điểm. Mô hình này có thể xuất hiện ở xu hướng tăng hoặc giảm, cung cấp tín hiệu trung lập. Sau khi breakout khỏi mô hình, giá sẽ tăng hoặc giảm mạnh theo hướng bứt phá.
Mô hình cái cốc tay cầm ngược
Mô hình cái cốc tay cầm ngược cũng gồm 2 phần: phần thân cốc và tay cầm, hình dáng ngược lại so với mô hình chiếc cốc tay cầm thuận. Phần tay cầm hơi chếch lên trên nhưng không thể vượt qua được đáy cốc cho thấy phe mua đã suy yếu. Sau khi breakout giá sẽ giảm mạnh.
Mô hình cái cốc tay cầm ngược là mô hình lưỡng tính cung cấp cả tín hiệu đảo chiều và tiếp diễn. Nếu trước khi hình thành cốc là xu hướng giảm thì đây là mô hình tiếp diễn. Nếu trước đó là xu hướng tăng cho thấy sự đảo chiều.
Một số lưu ý khi sử dụng mô hình giá
Mô hình giá có vai trò rất quan trọng trong phân tích kỹ thuật. Nhưng trong thực tế không có công cụ nào là chính xác 100% và mô hình giá cũng vậy. Cho nên khi giao dịch với mô hình giá, trader cần ghi nhớ những lưu ý sau đây:
- Trước khi hình thành các mô hình giá luôn luôn phải có một xu hướng rõ ràng. Đặc biệt đối với các mô hình đảo chiều thì xu hướng đó phải có dấu hiệu suy yếu.
- Chỉ giao dịch khi mô hình đã hoàn thành, nhất là đối với các mô hình giá đảo chiều trader phải chờ giá phá vỡ đường Neckline thì mới vào lệnh để giảm bớt rủi ro phá vỡ giả.
- Các mô hình giá được tạo trên các khung thời gian lớn thì có độ chính xác cao hơn khi tạo trên các khung thời gian thấp.
- Theo tác giả John Murphy, những mô hình giá đảo chiều hình thành từ đỉnh sẽ dễ bị phá vỡ, tụt mạnh hơn so với mô hình giá đảo chiều hình thành từ đáy.
Kết luận
Trên đây chúng tôi đã tổng hợp tất cả các mô hình giá được sử dụng thường xuyên trên thị trường forex. Hi vọng, thông qua bài viết này trader sẽ biết cách phân biệt các mẫu hình giá và linh hoạt sử dụng trong quá trình giao dịch. Ngoài ra, hãy kết hợp thêm các công cụ phân tích kỹ thuật khác để tìm kiếm các giao dịch thuận xu hướng và đảo chiều tiềm năng.